TOP 07 Danh Y – Thầy Thuốc Giỏi Nhất Việt Nam

TOP 07 Danh Y – Thầy Thuốc Giỏi Nhất Việt Nam

Dưới đây là 7 vị danh y – thầy thuốc giỏi nhất Việt Nam mà tên tuổi của họ đã được ghi vào sử sách nước ta. Những công trình nghiên cứu của họ là vô giá và là nền tảng quan trọng góp phần nâng cao nên Y học nước Việt Nam.

1. Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh

Danh Y Tuệ Tĩnh có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, là người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Ông được mệnh danh là ông tổ của nền Y dược cổ truyền Việt Nam. Các bộ sách như: Nam Dược thần hiệuHồng Nghĩa tư giác y thư của ông có ý nghĩa vô cùng trọng trong lịch sử y học nói chung và trong lịch sử văn học Việt Nam nói riêng.

Ông mồ côi cha mẹ từ khi 6 tuổi, được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi nấng và cho ăn học. Với tài năng thiên phú và sự chăm chỉ của mình, năm 22 tuổi, ông đã đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu tên là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc và chữa bệnh cứu người.

Năm ông 55 tuổi (1385) thì bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn hành nghề thuốc, nổi tiếng và được vua Minh phong là Đại y Thiền sư rồi mất ở đó và không rõ năm nào. Danh Y Tuệ Tính đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị có tên là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) được biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam được viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ. Không quá để nói rằng ông chính là ông tổ của nền Y học cổ truyền Việt Nam.

2. Danh y Lê Hữu Trác – Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác sinh năm (1720 – 1791) ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học có ông nội và các chú bác đều đỗ Tiến sĩ và làm quan trong triều. Thân sinh của danh y từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ và giữ chức vụ Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông.

Bên cạnh những cống hiến to lớn cho nền y học Việt Nam ông còn là một nhà văn hoá lớn của nước ta. Hải thượng lãn ông – Lê Hữu Trác chính là tác giả của kho sách trứ danh “Lãn Ông Tâm Lĩnh” hay có tên khác là “Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học như: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược và Di dưỡng. Toàn bộ sách mà ông để lại mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam được gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, vệ sinh phòng bệnh, cấp cứu và cả đạo đức y học,… Điểm nhấn thu hút nhất là sách của ông có kiến thức chọn lọc những y thuật của nước ngoài rồi ứng dụng phù hợp với điều kiện của con người Việt Nam. Sự nghiệp Y học của Lê Hữu Trác đã góp phần to lớn xây dựng nền Y học dân tộc nước ta, nên đã được suy tôn là Đại y tôn Việt Nam.

3. Giáo sư Hồ Đắc Di 

Giáo sư Hồ Đắc Di sinh năm 1900, mất năm 1984. Ông sang Pháp du học (1918-1932) và đỗ làm bác sĩ nội trú. Ở đây Hồ Đắc Di đảm nhiệm việc làm phẫu thuật một thời gian ở bệnh viện Tenon, rồi về nước. …

Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và công nhận giá trị trong suốt 30-40 năm.

Theo sử sách của ngành Y Việt Nam ghi nhận, với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố, Hồ Đắc Di là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư người Việt Nam đầu tiên.

Ông là Đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 5, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội các khóa 2, khóa 3, khóa 4, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Giám đốc Vụ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng giám đốc Đại học vụ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt-Pháp, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và hai hạng ba, Huân chương Lao Động hạng nhất và hạng hai, Chiến sĩ thi đua toàn quốc nǎm 1952 và 1956, Huy chương Vì thế hệ trẻ. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 25-6-1984.

4. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909- 1968), sinh thành tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1928, ông là thi đỗ và trở thành Trường đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1934, tốt nghiệp Bác sĩ y khoa tại Pháp. Sau hai năm, ông trở về Sài Gòn, mở phòng khám và bệnh viện tư chuyên chữa bệnh lao và bệnh phổi.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà trí thức rất có tên tuổi, xuất thân từ một gia đình thượng lưu, trí thức ở Sài Gòn, được người Nhật và người Pháp kính coi trọng nhưng ông lại không đi theo sự nghiệp truyền thống của gia đình mà lại tham gia cách mạng từ rất sớm. Ông là người đứng ra tổ chức Thanh niên tiền phong – một lực lượng hùng hậu làm nòng cốt cho phong trào quần chúng cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Tiến sĩ y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945 – 1/1946). Từ năm 1954, ông giữ rất nhiều chức vụ khác nhau như: Thứ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn (1954-1958), Bộ trưởng Bộ Y tế (1958-1968). Ông đã thành công xây dựng một nền y tế nhân dân ở miền Bắc. Đặc biệt, ông là người đầu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật phương tây vào nền y học Việt Nam lúc bấy giờ.

Là người sáng lập nên Viện Chống lao Trung ương, người đặt nền móng cho hình thành chuyên khoa lao và các bệnh phổi ở Việt Nam. Năm 1996 ông đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1958 ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Y tế –, tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất.

Năm 1997 ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh vì các cống hiến to lơn trong lĩnh vực khoa học.

5. Giáo sư Đặng Văn Ngữ

Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910) quê ở làng An Cựu, ngoại thành kinh đô Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa vào năm 1937, tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau đó, ông làm trợ lý cho giáo sư bác sĩ người Pháp tên Henry Galliard chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa Đông Dương (tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội).

Năm 1942 ông là trưởng Labo Ký sinh trùng và ông đã hoàn thành xuất sắc 19 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Năm 1943, ông đi du học tại Nhật Bản. Năm 1945, ông là hội trưởng hội Việt kiều yêu nước tại Nhật Bản. Năm 1949, ông về nước tham gia kháng chiến chống Pháp, trở thành giảng viên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa tại Chiêm Hóa. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, ông đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này. Năm 1955, ông sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam (Trung ương) Viện trưởng đầu tiên của viện này. Trong chiến tranh Việt Nam, ông tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam.

Năm ngày 1 tháng 4 năm 1967, ông đã mất trong một trận Mỹ ném bom B52, tại một địa điểm trên dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, khi đang nghiên cứu căn bệnh sốt rét. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về lĩnh vực Y học.

6. Giáo sư Tôn Thất Tùng 

Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 -1982), sinh ở quê hương Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Năm 1932, ông học tại trường Y- Dược, đến năm 1935 ông cùng 10 sinh viên khác được tuyển làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn. Năm đó ông là người duy nhất được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, hiện nay là bệnh viện Việt – Đức.

Chỉ với một dụng cụ thô sơ mà ông có thể phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Sau khi phẫu tích có kết quả, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với tiêu đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án tốt nghiệp này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (Trường Đại học Y-Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ chỉ là một bộ phận).

Năm 1960, ông đã thành công nghiên cứu ra phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Để ghi nhận công lao của Tôn Thất Tùng – người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, mọi người gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Cách mạng tháng Tám thành công, Tôn Thất Tùng là một trong những trí thức đầu tiên tận tâm, nhiệt tình, dành hết tâm huyết để xây dựng Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam DCCH.

Năm 1947, ông được Chính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ sau ngày hòa bình lập lại, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện hữu nghị Việt – Đức, chủ nhiệm bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Năm 1958, ông đã thành công tiến hành ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1959, tiếp tục phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi. Năm 1960, Giá Sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc về việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam. Năm 1965, GS thành công triển khai việc mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.

Năm 1977, ông được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris trao tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là phần thưởng dành cho những nhà phẫu thuật xuất sắc thế giới được trao định kỳ 5 năm một lần. Ông rất vinh dự và xứng đáng là một trong 12 người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng huy chương ấy cao quý ấy.

Với những công lao và cống hiến to lớn đối với nước nhà, GS. Tôn Thất Tùng đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

7. Giáo sư Đặng Văn Chung 

Gíao sư Đặng Văn Chung (1913) sinh tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1933, ông đã thi đỗ vào Trường đại học Y Dược khoa Đông Dương; năm 1937, ông tiếp tục thi đỗ trong kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), ông đã lên chiến khu cùng GS. Hồ Đắc Di để xây dựng Trường Y giữa núi rừng Việt Bắc.

Năm 1954, GS. Đặng Văn Chung là người đặt nền móng xây dựng các chuyên khoa hệ nội thuộc Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bộ môn hệ nội thuộc Trường đại học Y Hà Nội… Những năm 1970, GS. Đặng Văn Chung đã dành nhiều công sức và trí tuệ viết ra 2 cuốn Bệnh học Nội khoa, Điều trị học cũng như hàng loạt tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, GS. Đặng Văn Chung đã cùng các thầy cô lão thành xây dựng chương trình, triển khai đào tạo Bác sỹ nội trú, chuyên khoa cấp I, cấp II… Ông đã mở nhiều lớp đào tạo tập huấn cho các thầy thuốc ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trải qua hơn 60 năm cống hiến, giáo sư đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong ngành y tế như Trưởng bộ môn Nội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội và Chủ nhiệm Khoa Nội – Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Bộ Y tế. 

Lúc sinh thời, GS. Đặng Văn Chung đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 24/2/1999 GS. Đặng Văn Chung đã qua đời vì bệnh nan y, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, các thế hệ học trò và người bệnh.Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 392 KT/CTN truy tặng GS. Đặng Văn Chung Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

>> Xem thêm: TOP bệnh viện khám đau lưng ở Hà Nội

Việt Khang

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

09.633.688.12